Từ khi được gắn mác chuyên nghiệp (năm 2000), giải vô địch quốc gia V-League đã được tài trợ bởi 7 doanh nghiệp khác nhau.

Kinh Đô từng là nhà tài trợ V-League mùa 2004. Ảnh: Internet.
Kinh Đô từng là nhà tài trợ V-League mùa 2004. Ảnh: Internet.
Đầu tiên là Công ty Tiếp thị thể thao Strata. Strata là viên gạch quan trọng xây nên V-League, nhưng họ chỉ gắn bó với giải trong hai năm đầu. Lý do là bởi Strata nhận thấy khả năng sinh lời của V-League quá thấp.Sau đó, V-League trải qua giai đoạn “khủng hoảng tài trợ” trong 4 năm liền. Các doanh nghiệp lớn và có tên tuổi hào hứng đến với V-League, tuy nhiên họ chỉ trụ lại được một mùa. Đó là PepsiCo, Kinh Đô, Tân Hiệp Phát Eurowindow.

Đến năm 2007, Tổng Công ty khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam Gas) ký bản hợp đồng tài trợ 4 năm cho V-League. Đây được xem là “thời kỳ hoàng kim” của bóng đá Việt Nam. Hàng loạt ngôi sao cập bến V-League như Denilson, Lee Nguyễn, Thonglao, Kiatisuk,… ĐT Việt Nam cũng gặt hái không ít thành công trong giai đoạn này, tiêu biểu là vào đến tứ kết Asian Cup 2007 và chức vô địch AFF Cup 2008.

Năm 2011, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) thay thế Petro Vietnam Gas. Đứng sau quyết định này là ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank và hiện là Chủ tịch VFF. Mỗi mùa, V-League nhận 30 tỷ đồng tài trợ.

Toyota là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên tài trợ V-League. Ảnh: Internet.
Toyota là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên tài trợ V-League. Ảnh: Internet.

Mùa bóng 2015, Eximbank rút lui. Lần đầu tiên V-League được tài trợ bởi một doanh nghiệp nước ngoài – Toyota. Nhưng dường như, Toyota không nhảy vào V-League bởi giá trị thương mại của giải đấu, mà chỉ vì mối quan hệ hợp tác giữa VFF và Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản.

Có thể thấy, V-League chưa phải là mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp đầu tư lâu dài. 15 năm và 7 nhà tài trợ, con số ấy đủ nói lên sức hấp dẫn của V-League đang dừng lại ở đâu.